Sự nghiệp thể thao Tara Lipinski

Những năm đầu

Năm 1994, Lipinski giành được huy chương bạc nữ cấp thiếu nhi (novice) tại Giải vô địch trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1994.[4] Cũng năm ấy, cô trở thành vận động viên trẻ nhất nhận huy chương vàng tại Liên hoan Thế vận hội Hoa Kỳ khi 12 tuổi.[6] Tháng 11, lần đầu tiên tham gia thi đấu quốc tế, cô giành vị trí thứ nhất tại giải Pokal der Blauen Schwerter[lower-alpha 2]Chemnitz (Đức) khiến giới truyền thông bắt đầu quan tâm.[3] Ở cấp độ thiếu niên (junior), cô đứng vị trí thứ tư tại Giải vô địch thiếu niên thế giới 1995 và đứng thứ nhì tại Giải vô địch Hoa Kỳ 1995.[2] Cuối năm 1995, cô đứng thứ năm tại Giải vô địch thế giới 1996, đánh dấu khép lại mối quan hệ giữa DiGregorio và nhà Lipinski.[4]

Sau khi Lipinski và mẹ thực hiện một loạt phỏng vấn và nhận những bài học mẫu từ huấn luyện viên tiềm năng khắp cả nước, cuối cùng họ chọn thuê Richard Callaghan.[7] Tháng 1 năm 1996, Lipinski giành huy chương đồng cấp độ trưởng thành (senior) tại Giải vô địch Hoa Kỳ 1996.[2][4] Kết thúc mùa giải 1995–96, cô được quốc tế chú ý khi đủ điều kiện tham dự Giải vô địch thế giới 1996.[8] Lipinski chỉ đứng thứ 22 sau bài thi ngắn, nhưng bài thi tự do với 7 cú nhảy ba vòng đã đưa cô lên vị trí 15.[7][9]

Mùa giải 1996–97

Lipinski và Callaghan dành năm tiếp theo giúp diện mạo mình trưởng thành hơn; cô tham gia lớp học múa ba lê và thuê biên đạo Sandra Bezic để "tạo ra những màn diễn cho Lipinski thể hiện niềm say mê nhưng trông chững chạc".[7] Cuối năm 1996, cô tăng độ khó kỹ thuật cho bài diễn với cú nhảy liên hoàn 3Lo-3Lo. Cô trở thành phụ nữ đầu tiên thực hiện được kỹ thuật này khi thi đấu.[3][10] Lipinski dự ISU Champions Series (về sau đổi tên thành Giải trượt băng nghệ thuật ISU Grand Prix) trong mùa giải 1996–97; cô về nhì tại Skate Canada, hạng ba tại Trophée Lalique và hạng nhì tại Cúp Quốc gia 1996.[1] Cô giành huy chương vàng tại Chung kết Champion Series và đánh bại Michelle Kwan khi có nhiều cú nhảy thành công hơn trong cả bài thi ngắn lẫn tự do.[11]

Đối thủ Michelle Kwan

Tháng 2 năm 1997, ở tuổi 14, Lipinski trở thành vận động viên trượt băng trẻ tuổi nhất giành danh hiệu Vô địch Hoa Kỳ, phá kỷ lục cũ của Sonya Klopfer thiết lập năm 1951.[lower-alpha 3][7] Lipinski đánh bại đương kim vô địch 1996 Michelle Kwan[13] dù Kwan đã thắng bài thi ngắn. Trong bài thi tự do, Kwan bị ngã hai lần và chỉ thành công (land) được 4 trong 7 cú nhảy 3 vòng dự kiến, mở ra cánh cửa cho chiến thắng của Lipinski.[7][11] Lipinski là người cuối cùng thực hiện phần thi tự do và hoàn thành một cách sạch sẽ[lower-alpha 4] với 7 cú nhảy 3 vòng, gồm cả tổ hợp 3Lo-3Lo đặc trưng của mình. Cô xếp hạng nhất.[11]Theo tác giả Edward Swift tờ Sports Illustrated, Giải vô địch quốc gia Hoa Kỳ năm 1997 đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc so tài Kwan–Lipinski.[7]

Một tháng sau, Lipinski chiến thắng Giải vô địch thế giới 1997 và trở thành nhà nữ vô địch trượt băng trẻ tuổi nhất khi ấy. Lipinski trẻ hơn 1 tháng so với Sonja Henie người Na Uy khi giành chức vô địch đầu tiên (trong 10 lần vô địch) năm 1927.[14][lower-alpha 5] Lipinski hoàn thành 7 cú nhảy 3 vòng giống như tại giải vô địch Hoa Kỳ và Chung kết Champion Series, kết thúc tại vị trí cao nhất ngay sau bài thi ngắn.[15] Cô cũng hoàn thành hai cú nhảy Axel 2 vòng (2A) góp phần nhỏ để nâng điểm số.[16] Lipinski đạt hầu hết điểm trình diễn (PCS) là 5,7 hoặc 5,8[lower-alpha 6] giống như điểm kỹ thuật (TES). Ba trong bốn giám khảo chấm điểm trình bày của Lipinski cao hơn điểm kỹ thuật.[15]

Phóng viên Jere Longman của The New York Times gọi bài thi tự do của Lipinski là "màn trình diễn nhẹ nhàng duyên dáng" và nói rằng cô ấy "điềm tĩnh và gần như hoàn mỹ". Lipinski mở màn bằng cú nhảy Axel 2 vòng (2A) và Flip 3 vòng (3F) cũng như 3Lo liên tiếp quen thuộc.[14] Cô nhận được 5,8 và 5,9 cho điểm kỹ thuật, còn điểm trình bày là 5,7 và 5,8. Khi có kết quả cuối cùng sau bài thi tự do, các giám khảo đã không thể công bố rõ ràng người chiến thắng. Lipinski, Kwan (bài thi ngắn đứng thứ tư) và vận động viên người Nga Irina Slutskaya đều được bầu chọn cho vị trí thứ nhất. Kwan xếp thứ nhất cho bài thi tự do với đa số phiếu đánh giá thứ nhất và thứ nhì, còn Lipinski xếp thứ nhất chung cuộc vì bài thi tự do được nhiều phiếu thứ nhì hơn Slutskaya.[16] Chỉ cần thêm 2 giám khảo cho điểm Slutskaya cao hơn Lipinski ở bài thi tự do thì Kwan đã có thể giành chiến thắng chứ không phải về nhì. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ giành cả hạng nhất và nhì tại giải thế giới kể từ năm 1992 khi Kristi Yamaguchi giành huy chương vàng và Nancy Kerrigan được huy chương bạc.[14]

Mùa giải 1997–98

Mùa giải tiền Thế vận hội

Giữa hai mùa giải, Lipinski cao thêm 2 inch và tròn 15 tuổi.[17] Cô bước vào mùa giải 1997–98 khi hàng ngày tham gia lớp khiêu vũ của giáo viên múa ba lê người Nga Marina Sheffer để bài diễn được phức tạp tinh tế hơn.[18] Cô chọn nhạc phim cho cả bài diễn ngắn lẫn tự do, còn Marina Sheffer phụ trách biên đạo múa.[19] Theo tác gia kiêm sử gia trượt băng nghệ thuật Ellyn Kestnbaum, báo chí Mỹ đã tung hô "hết sức cuộc đua tranh Kwan–Lipinski".[20]

Tại Giải trượt băng Hoa Kỳ 1997, Kwan lần đầu tiên đánh bại Lipinski trong ba nội dung thi đấu và giành huy chương vàng. Lipinski đứng thứ nhì sau Kwan trong cả bài thi ngắn và tự do, về nhì chung cuộc. Mặc dù thực hiện những cú nhảy khó hơn Kwan trong bài thi ngắn, các điểm kỹ thuật của Lipinski đều thấp hơn.[20] Với bài thi tự do, cô bị ngã khi thực hiện cú nhảy Lutz 3 vòng (3Lz) nhưng có màn diễn mạnh mẽ và khó về kỹ thuật.[21] Theo Kestnbaum, Callaghan "ngạc nhiên không rõ tại sao các giám khảo lại cho nhà đương kim vô địch thế giới điểm thấp như vậy, đáng nhẽ nhà vô địch phải có ưu thế không chút nghi ngờ từ vị thế đó chứ". Lipinski lại về nhì tại Trophée Lalique, sau vận động viên người Pháp Laëtitia Hubert. Phải biết rằng Hubert đã không thắng cuộc thi lớn nào kể từ Giải vô địch thiếu niên thế giới 1992 và chỉ đứng thứ 11 ngay cuộc thi trước đó.[20][22]

Đến với Chung kết Champions Series 1997–98, Lipinski chỉ ở hạt giống thứ tư ngang bằng Maria Butyrskaya của Nga.[17] Nhưng cô đã chiến thắng giải này và có được màn diễn sạch sẽ trong cả mùa giải.[23] Dù đủ điều kiện tham dự nhưng Kwan đành phải rút lui vì chấn thương.[17] Mike Penner của tờ LA Times đưa tin rằng cả Lipinski và Callaghan đều lo ngại bị ban giám khảo đối xử bất công tại Champion Series mùa đó. Giám khảo chấm điểm kỹ thuật của Lipinski thấp hơn mùa trước, thấp tới 5,3 vì thực hiện nhảy Lutz không chuẩn. Theo Penner, các giám khảo nói với Callaghan rằng Lipinski thường xuyên thực hiện nhảy Lutz bằng cạnh trong của lưỡi trượt chứ không phải cạnh ngoài, trong trượt băng nhảy sai Lutz như vậy thì gọi là "Flutz".[lower-alpha 7] Lipinski và Callaghan tranh cãi với các giám khảo về điểm số những cú nhảy, lấy cớ rằng cô đã thực hiện y như khi vô địch thế giới lẫn quốc gia Hoa Kỳ mùa giải trước.[17] Các tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã đăng tải một số bài với chủ đề Lipinski bị điểm thấp.[24] Theo phóng viên Nancy Armor của The Spokesman-Review, Lipinski thể hiện màn trình diễn tốt nhất của mình trong mùa tại giải Chung kết với cú nhảy tốt Lutz 3 vòng (3Lz).[22]

Tại Giải vô địch Hoa Kỳ 1998, Lipinski về nhì sau Kwan. Trong bài thi ngắn, Lipinski bị ngã khi thực hiện nhảy Flip 3 vòng, cô gọi đây là "điểm thấp nhất" trong sự nghiệp mình.[3] Cô kiểm soát lại được bài thi ngắn đủ để leo từ thứ tư lên thứ nhì chung cuộc. Muốn giành chức vô địch, Lipinski sẽ phải đứng đầu bài thi tự do đồng thời Kwan chỉ đạt vị trí thứ ba trở xuống.[25] Bài thi tự do của Lipinski có 7 lần nhảy 3 vòng, với cú kép 3Lo-3Lo đặc trưng và tổ hợp khó 1T-1/2Lo-3S. Các giám khảo đều cho điểm 5,8 và 5,9, ngoại trừ một cặp 5,7 cho phần trình bày.[26][lower-alpha 8]

Thế vận hội mùa đông 1998

Trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ chọn Kwan, Lipinski và vận động viên đứng thứ 3 tại giải quốc gia là Nicole Bobek tham dự Thế vận hội mùa đông 1998Nagano, Nhật Bản.[25] Lipinski và Kwan là đồng ứng cử viên cho tấm huy chương vàng.[18]

Trong nội dung đơn nữ, Kwan thắng bài thi ngắn với 8 trên 9 giám khảo xếp cô hạng nhất, còn Lipinski về nhì.[28] Bài thi ngắn của Lipinski khó hơn của Kwan về mặt kỹ thuật, được Swift gọi là là "rực rỡ - nhanh, nhẹ nhàng và vui tươi".[19] Bài thi tự do của Lipinski với đặc trưng tổ hợp 3Lo-3Lo có tổng 7 lần nhảy 3 vòng, đây là màn diễn kỹ thuật khó nhất lịch sử Thế vận hội tính đến thời điểm ấy. Lipinski nhận điểm trình diễn là 5,8 và 5,9. Điểm trình bày của Kwan đều đạt 5,9 nhưng thấp điểm kỹ thuật hơn Lipinski. Kwan có bài thi tự do gần như hoàn hảo chỉ với một lỗi nhỏ trong một lần nhảy. Theo phóng viên Amy Shipley tờ The Washington Post, Kwan "trượt băng xuất sắc và Lipinski trượt giỏi hơn".[28] Swift cho rằng bài thi tự do của Kwan "đủ để giành chiến thắng ở bất kỳ kỳ Thế vận hội nào khác", nhưng ban giám khảo cho cô 5 điểm kỹ thuật 5,7 tạo chỗ trống cho Lipinski vượt lên dẫn trước. Swift nói thêm rằng Lipinski "đã bùng nổ" trong bài thi tự do và "bay vút lên và quay tròn phóng túng, tràn ngập [sân băng] vui tươi".[19] Giống như Kwan, cô có 7 cú nhảy 3 vòng,[29] nhưng "sự khác biệt ở cú tổ hợp 3Lo-3Lo đặc trưng và [tổ hợp] 3 vòng kết thúc tuyệt vời 1T-1/2L-3S".[19] Theo Kestnbaum, những cú nhảy của Lipinski không lớn như của Kwan, nhảy lên không đạt mức lý tưởng nhưng đáp xuống sạch sẽ và tăng tốc khi kết thúc. Các cú xoay nhanh nhanh hơn Kwan nhưng không khó bằng và tư thế cũng yếu hơn.[30] Kestnbaum cũng phát biểu: "Màn diễn [Lipinski] không cho thấy các bước chuyển tiếp phức tạp, trượt nghiêng[lower-alpha 9] đầy sắc thái, cơ thể và đường nét được kiểm soát và thanh lịch".[31] Lipinski đạt điểm kỹ thuật 5,8 và 5,9 còn điểm trình bày được đến 6 trên 9 giám khảo xếp vị trí đầu tiên. Lipinski giành huy chương vàng vì bài thi tự do có trọng số lớn hơn bài thi ngắn.[29][32]

Khi ấy, Lipinski là vận động viên trẻ nhất đoạt huy chương vàng Thế vận hội trong lịch sử trượt băng nghệ thuật. Cô là nữ vận động viên Mỹ thứ sáu giành huy chương vàng Thế vận hội môn trượt băng nghệ thuật.[2][4][29] Kwan về nhì, còn vận động viên trượt băng Trung Quốc Trần Lộ bất ngờ giành huy chương đồng.[28] Lipinski phá vỡ kỷ lục đã tồn tại 70 năm của Sonja Henie thiết lập tại Thế vận hội mùa đông 1928 khi trẻ hơn 2 tháng.[33] Lipinski-Kwan cũng mang lại thành tích cho Hoa Kỳ trong nội dung trượt đơn, không quốc gia nào đạt cả huy chương vàng lẫn bạc kể từ Thế vận hội kể từ năm 1956, khi mà cũng hai vận động viên người Mỹ lập nên là Tenley AlbrightCarol Heiss.[32]